Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

MU: Những người muôn năm cũ

Khi Giggs khởi nghiệp cầu thủ, Rooney và Ronaldo mới đến tuổi đi học. Hồi Paul Scholes ra mắt ở Old Trafford, Anderson chỉ là một chú nhóc 5 tuổi. Còn ở thời điểm Van der Sar lần đầu đứng trong khung gỗ, Danny Wellbeck và anh em nhà Da Silva thậm chí chưa ra đời…
Ở độ tuổi ấy, khá nhiều cầu thủ đã treo giày và có những bước đi mới trong sự nghiệp của mình, nhưng Giggs, Scholes và van der Sar vẫn gắn bó với nghiệp quần đùi áo số, và thật tuyệt vời khi họ đang là những nhân tố quan trọng trong chuỗi thành tích hết sức ấn tượng của M.U thời gian qua.
Có lẽ chẳng cần phải kể nhiều về
Ryan Giggs nữa. Tiền vệ người Xứ Wales là biểu tượng số một về lòng trung thành với 22 năm gắn bó cùng M.U. Trong suốt khoảng thời gian ấy, anh phá vỡ hàng loạt kỷ lục mà khó có bậc hậu bối nào có thể vượt qua. Giggs là cầu thủ M.U duy nhất có mặt trong 10 chức vô địch dưới thời Ferguson, cũng như ghi bàn ở tất cả các mùa giải, kể từ khi Premier League ra đời.
Tại Champions League cũng thế, anh là cầu thủ duy nhất ghi bàn ở 11 mùa giải liên tiếp. Với 788 nhịp đập cùng M.U, anh đã bước chân vào ngôi nhà của những huyền thoại, dù vẫn còn gắn bó với sân Old Trafford hơn 1 năm nữa.
Mùa giải này, Giggs không được đá chính nhiều như trước do gánh nặng về tuổi tác, nhưng anh vẫn là một trong những người chơi xuất sắc nhất. Đặc biệt, cầu thủ chạy cánh một thời này đang thích nghi cực tốt trong vai trò của một… tiền vệ trung tâm.
Không còn sức lực như hồi trai trẻ, song Giggs lại trở nên hữu dụng khi trở thành nguồn cung cấp bóng cho đồng đội bằng những đường chuyền chuẩn xác. Điều này thực ra cũng không quá ngạc nhiên, bởi với 289 đường chuyền thành bàn, Giggs đang giữ kỷ lục Premier League về khả năng kiến tạo.
Tất nhiên, anh vẫn không quên cách hạ gục những thủ môn. Bàn thắng duy nhất vào lưới West Ham hôm 9/2 là một ví dụ. Ở Old Trafford rạng sáng qua, Giggs đã tạm nhường sân khấu cho một lão tướng khác:
Paul Scholes. Không ai nghĩ tiền vệ này đã 35 tuổi khi chứng kiến anh chơi trọn cả 90 phút với một sự nhiệt tình và hiệu quả đến đáng ngạc nhiên.
Từ cái cách tả xung hữu đột, tham gia phòng ngự cho tới tổ chức tấn công. Scholes đã mở màn chiến thắng của M.U bằng một pha sút bóng sống từ ngoài vòng cấm địa, vốn là “đặc sản” của anh trong thời kỳ đỉnh cao, và đến thời điểm này vẫn luôn được anh luyện rất kỹ trên sân tập.
Đó chính là bàn thắng đầu tiên của “số 18” ở Premier League mùa giải này. Scholes cũng là mắt xích hết sức quan trọng trong bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 của Berbatov (bao gồm tổng cộng 22 đường chuyền). Thật đáng khâm phục nếu biết rằng trong trận đấu vừa qua, anh là cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất của M.U (93 lần), và độ chuẩn xác lên tới 95%.
Ở mùa giải này, đã có lúc cơn bão chấn thương khiến tuyến giữa của M.U bị tổn thương nghiêm trọng. Nhưng giờ đây, sự xuất sắc của Carrick và kinh nghiệm của Scholes đã khiến cỗ máy M.U ngày càng vận hành trơn tru và chắc chắn hơn. Đó là điều cực kỳ cần thiết bởi trong vòng 1 tháng tới, Quỷ đỏ sẽ phải trải qua những trận đấu quyết định đến tham vọng ăn tư ở mùa giải này.
Đó là Wembley với trận chung kết Cúp Carling gặp Tottenham, và đó là San Siro, nơi họ sẽ tiếp đối thủ cực mạnh Inter ở lượt đi vòng 1/8 Champions League. Dĩ nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến lão tướng
van der Sar trong thành công của M.U. Cứ mỗi trận đấu của M.U sắp diễn ra, người ta lại tự hỏi đến bao giờ thì thủ thành người Hà Lan phải vào lưới nhặt bóng, còn các nhà thống kê thì chăm chăm vào những kỷ lục sắp bị phá.
14 trận đấu liên tiếp ở Premier League, tức là gần 22 tiếng đồng hồ, hoặc cụ thể hơn là 1.302 phút, chưa có ai hạ gục được chàng thủ môn cao đến 1m97 này. Thời gian giữ sạch lưới quá lâu ấy đủ để những nỗi buồn sau khi bị Samir Nasri sút tung lưới ngày 8/11 năm ngoái trôi vào dĩ vãng.
Sự chắc chắn của van der Sar, hay đúng hơn là của cả hàng thủ M.U khiến mọi đối thủ khi chạm trán họ đều phải chịu một sức ép quá lớn. Van der Sar đã vượt qua cái bóng của Schmeichel để lại, điều mà từ Mark Bosnich, Fabien Barthez cho tới Tim Howard đều bất lực.
Đến bây giờ, có lẽ ngài Ferguson vẫn phải thầm cám ơn Fulham, đội bóng đã bán Van der Sar cho ông với giá vỏn vẹn 2 triệu bảng hồi hè năm 2005. Làm gì kiếm đâu một thủ môn giá vỏn vẹn 2 triệu bảng mà lại thi đấu xuất sắc đến như thế? Thử so sánh với cái giá 50 triệu bảng mà Man City từng dạm hỏi để có Buffon. Thật đáng đồng tiền bát gạo!
(Theo tintuconline.vietnamnet.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét